Sau những lần đặt tay cho học sinh hay hướng dẫn các bạn thiền, phần lớn mọi người đều đụng tới 1 sự cô đơn trong chính bản thân, hay những vấn đề liên quan tới tim và cổ, về diễn đạt. Có những bạn khóc, có những bạn dường như cần chia sẻ, cần được giải tỏa.
Và rất tình cờ, mình xin chia sẻ một câu chuyện ngắn về một người mẹ và con của cô. Để thấy được một đứa trẻ cảm thấy cô đơn ra sao? Có lẽ ngay từ nhỏ, chúng ta cũng gặp tình huống như này chăng? Chúng ta có trách móc bố mẹ không? Không và đừng! Hãy là ba mẹ, chúng ta sẽ thấy sự vất vả của cha mẹ trong hành trình nuôi nấng con cái ra sao! Hãy nhớ về những vất vả, lăn lội mưa nắng mà ba mẹ đã trải qua để chúng ta được như ngày hôm nay, ba mẹ đã cố gắng rất nhiều!
Con cái là biểu hiện của cha mẹ!
Có một đứa trẻ, thường ngày muốn được sống theo ý mình. Mọi người nhắc nhở, đôi khi dọa nạt nó, nhưng càng làm vậy nó càng tỏ ra không hợp tác. Trong những buổi thiền chữa lành, người mẹ hiểu rằng cô đã thực sự thiếu thời gian dành cho con, ít trò chuyện với con. Cô loay hoay không biết làm thế nào để dành thời gian thực sự cho con. Bởi trong đầu cô, đôi khi còn quá nhiều việc phải làm, việc công ty, việc gia đình, việc bản thân…
Cô được hướng dẫn đặt tay cho con và chạm vào được những tư tưởng, cảm xúc trong con. Tới một ngày, cô nhận ra mình cần buông bỏ, buông bỏ những áp lực, bận bịu hay những ham muốn trong cô. Cô nghĩ về đứa trẻ, cô thấy thương nó như thương chính mình. Nó là lẽ sống, là sự biểu hiện của chính cô. Cô đã chưa dành thời gian cho chính mình, hay cũng là chính nó, những thứ thực sự cần thiết với cô lúc này.
Cô chia sẻ rằng, thường những buổi tối trước đó , cô luôn cứ hoặc giả vờ ngủ, hoặc nằm yên để con thấy không ai còn thức thì con hãy tự ngủ. Thực tế là, nhiều lúc con vẫn nằm và nghịch ngợm chơi một mình, không chịu ngủ. Lúc đó cô khó chịu, đôi khi bực bội quát mắng con. Gây cảm giác thay vì chuẩn bị một giấc ngủ ngon, lại thành một sự chèn ép về tâm trạng của cả mẹ và con.
Có những tối cô đọc sách cho con nghe, con cũng rất thích, nhưng không phải tối nào cô cũng làm được điều đó. Hôm nào đứa trẻ được ba mẹ đọc sách cho nghe đều rất thích thú.
Cuộc trò chuyện ngắn cùng con trước khi ngủ
Một tối, trước khi đi ngủ, cô nằm nói chuyện với con. Hai mẹ con nói với nhau về chuyện bạn bè, trường lớp, thầy cô của con. Đứa trẻ rất hào hứng kể chuyện, nó nói rất nhiều. Và dường như nó chưa muốn ngủ. Nó nghĩ ra đủ mọi chuyện để nói với mẹ, như trong đầu nó là một khối truyện khổng lồ cần được tuôn ra.
Sau buổi tối trò chuyện với con, đứa trẻ vui vẻ nói một câu trước khi chìm vào giấc ngủ, khiến cô thấy thật sự xúc động “hôm nay mình nói chuyện vui nhỉ mẹ? mai mình lại nói chuyện tiếp nhé?”. Và nó chìm vào giấc ngủ ngay sau đó, một giấc ngủ rất yên ắng và ngọt ngào.
Người mẹ giật mình, cô nghĩ tới bản thân mình. Đôi khi cô muốn được nói chuyện, tâm sự cùng người mình yêu, nhưng anh lại không thể hiện được như cô muốn, đôi khi anh không muốn nghe. Cô bực bội với anh, với con. Thực tế nhiều tâm tư trong cô không được giải tỏa ra bên ngoài, gây ra tình trạng như vậy.
Những công việc chưa được chia sẻ, việc nuôi nấng chăm sóc con, hay những khó khăn cô gặp phải. Nhưng sau câu nói đó của con, cô giật mình nhận ra, cô giống hệt con mình, một đứa trẻ ở trong tim của cô, nó cũng cần được nói chuyện, được lắng nghe.
Những lo toan cuốn ta ra khỏi kết nối với con
Đứa trẻ nào cũng vậy, nó muốn được nói chuyện cùng ba mẹ mỗi khi ở nhà. Trước kia, vợ chồng cô thường khá bận, ít thời gian hỏi han con, nên mỗi lần hỏi con cho qua, hỏi về trường lớp, con cũng thường trả lời qua qua, không có gì ấn tượng. Và cô cứ nghĩ con ổn, nhưng thực tế tình trạng này kéo dài.
Con ít được quan tâm, nên sống khá tự do, đôi khi không nghe lời và khó hợp tác. Nhiều lúc bị mắng hay dọa nạt, nó không diễn đạt được cảm xúc của mình và chỉ biết khóc. Và rồi người lớn quy cho nó cái lỗi yếu đuối, không nghị lực, có thể là “lêu lêu” chúng. Thật tội nghiệp cho trẻ con phải không?
Trong bản thân mỗi người, ai cũng cần một người để tâm tình, chia sẻ. Một đứa trẻ cũng vậy, ba mẹ không những là người đồng hành từ trong bào thai, còn là người bạn tâm giao của chúng. Chúng ta có thể hiện rõ được vai trò đó không, là cơ duyên của mỗi người. Nhưng mình biết rằng, ba mẹ nào cũng sẽ làm được điều đó, chỉ là lúc nào thôi? Có những lúc chúng ta nghĩ đã quá muộn, nhưng chẳng có gì là quá muộn.
Mình hi vọng câu chuyện ngắn và chia sẻ của người mẹ này, cũng giúp phần nào cho những muộn phiền của những người mẹ đang gặp vấn đề kết nối với con cái của mình! Hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, bằng cách kết nối thực sự với chúng!