Khi trải nghiệm đặt tay với nhiều phụ nữ, mình chạm vào rất nhiều sự chướng căng ở trong vùng bụng, đường ruột, đường tiêu hoá. Sự tồn đọng đó có thể đến từ đồ ăn, dịch nhầy trong hoá chất, rồi tới tư tưởng, sự uất ức, phiền muộn, khổ đau trong các mối quan hệ cuộc sống!
Một lần đặt tay trong một nhóm các bạn nữ, để hiểu “vì sao phụ nữ hay buôn dưa lê?”. Chúng mình được đưa về những thứ chất chứa trong vùng bụng, mà phụ nữ không xả, buông hết được qua đường đại tiểu tiện. Không còn cách nào khác, những thứ đó được đẩy qua đường miệng bằng cách buôn dưa, tâm sự, đem đi rêu rao… Rồi trong lúc muốn trút bầu tâm sự, cô ấy không hề biết mọi sự riêng tư của mình có được đảm bảo, bảo mật về mặt thông tin hay không?
Khi chưa kết hôn, các cô gái thường có vòng eo thon gọn và một cái bụng lép, nhưng khi kết hôn, rồi sinh con cái bụng mỡ bắt đầu phình lên. Thật ra về mặt vật lý có những người bụng lép, nhưng khi đặt tay vẫn cảm nhận có sự cương cứng như sự bức bối trong đó, vậy những thứ trương phình đó đến từ đâu?
Cuộc sống và những nỗi niềm của người phụ nữ
Tụi mình đụng vào những sự phiền muộn, uất ức, cam chịu, dồn nén trong lòng của những người phụ nữ trong các mối quan hệ với chồng, với con, với bố mẹ 2 bên, với bạn bè, đồng nghiệp, với công việc, với dư luận xã hội, với đời sống vật chất v.v… Quả thật, phụ nữ rất đa di năng, họ vừa có thể đảm đương nhiều việc: việc nhà, việc cơ quan, vui chơi bạn bè, quan hệ họ hàng. Cho tới khi có con cái họ vừa chăm con, làm việc, vừa chăm lo nhà cửa…
Chính bởi điểm mạnh là sự đa di năng, nên trong mỗi cái nhánh hướng tới việc đó, họ có những phiền muộn, những khổ đau và nó đưa tới bụng, giữ ở trong lòng. Nhất là khi họ không thể giải quyết được sự phiền muộn này với đối tượng mà họ có những cảm xúc đó. Thế là, cứ đời này qua đời khác nó tồn đọng ở đây, kể cả những tổn thương từ bé, và họ không được dạy cách xả, buông bỏ!
Vì sao cái bụng cương, tử cung đau và cái cổ bị nghẹn lại?
Những tổn thương này, còn liên quan tới việc muốn nổi trội, giỏi giang, là một phần bản năng của phụ nữ trong vấn đề tranh đấu. Như trong cấm cung, các Phi tần cố gắng để được nhà Vua sủng ái, để làm Hoàng Hậu… để thấy mình có chỗ đứng ở 1 nơi nào đó. Cuộc chiến sinh tồn diễn ra. Cuộc sống nơi cung cấm không có nhiều việc để làm ngoài học lễ nghĩa, phong thái, làm đẹp… Họ rảnh nhiều và thế là tập hợp lại với nhau và thành lập những nhóm người, đầu tiên trao đổi cái này cái kia, sau đó là cuộc tranh đấu ganh ghét, nói xấu…
Có quá nhiều bí mật, âm mưu nơi cung cấm được tiết lộ qua những cuộc nói chuyện, chia sẻ. Tất cả đều ảnh hưởng tới mục đích “tiến Vua và làm Hậu” của phụ nữ, họ sẽ tìm cách bóp cổ, bịt miệng, thậm chí đầu độc những người phụ nữ không nghe theo, không thuận theo, thậm chí giỏi hay nổi bật hơn họ… Tất cả đều liên quan tới danh vọng, tình yêu, của cải… và họ muốn có, giữ trong cái bụng này. Cuộc sống ai mà chả thích mấy cái đó phải không? Bụng chất chứa rất nhiều ham muốn: ham đầy đủ, ham danh, ham giỏi, ham nổi bật… Khi nào buông bớt, tự do thì cái bụng sẽ khác!
Ai cũng cần có bạn để chia sẻ và thói quen tụ tập buôn chuyện!
Và bạn cũng sẽ thấy đấy, phụ nữ rảnh, ít việc để làm nên mới đi buôn dưa lê từ giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác, tháng năm… Có người trò chuyện họ không thấy cô đơn, không thấy buồn, ngoài ra buôn dưa còn thấy được an ủi, còn tìm thấy người có cùng cảnh ngộ với mình, được cảm thông, họ thấy thật vui khi được ngồi như vậy.
Thói quen đôi khi biến tướng thành cái khác, đó là ghét một ai đó, họ bới vết tìm sâu và đem đủ thứ, thậm chí “tam sao thất bản” để nói cho nó thú vị, ly kỳ, mọi thứ mang tính thêu dệt. Và cứ như vậy, việc phụ nữ ngồi hàn huyên với nhau thành thói quen truyền đời. Họ mặc định nếu không tỉ tê tâm sự thì không gần gũi, phải nói chuyện chia sẻ thì mới có tình chị em, mới thân thiết… Tri kỷ đôi khi không cần nói bạn chỉ cần thấy sự hiện hữu của người ta là đã đủ đầy rồi!!!
Văn hoá đó cứ nối tiếp, và chúng ta thấy việc phụ nữ buôn dưa, tỉ tê, tâm sự là một sự cần có, hiển nhiên, ai không như vậy là lạc loài, xa lánh, đem ra phân tích, nói này nói nọ…đôi khi nói sau lưng. Nhiều người không muốn bị cô lập, bị xa lánh, bị đặt điều tiếng, họ sợ ảnh hưởng tới nhiều người, rồi họ phiền lòng, nên đôi khi ùa vào, hoặc kiêng cưỡng. Nhưng cũng có nhiều người không hề như vậy!
Chia sẻ đôi chút về phụ nữ trong Đạo Phật
Và thế là chúng mình được hướng về các Giới trong Đạo Phật. Mình chia sẻ thêm một vấn đề nữa mà mình đã được tiếp cận khi tìm hiểu Phật giáo, có ba điều khiến nghiệp của phụ nữ nặng hơn, đó là: sáng ngủ dậy đã muốn giữ tiền của chồng, trưa đến thì hay nói xấu người khác (đề cập tới người thứ 3 trong câu chuyện mà không có ý hay ho), tối về lại muốn kiểm soát chồng.
Điều này khiến mình sực nhớ tới ngày mới lấy chồng, các chị em bạn bè hay nói rằng phải giữ tiền của chồng, password các thứ để xem chồng có bồ bịch không v.v… rất nhiều chuyện. Bạn đã đa di năng như vậy mà còn muốn ôm nhiều như thế, cả tiền bạc, tự do ý chí và thời gian của người khác thì có phải khiến cái thân, cái bụng nặng không?
Phụ nữ nên làm gì để không ngồi không, đưa lời qua việc tám chuyện?
Sau cùng chúng mình được đưa về một hình ảnh như lời khuyên dành cho phụ nữ: cô ấy hãy đi múc nước từ dưới giếng (hoặc một nguồn nước nào đó), rồi đi tưới cho từng cái cây một ở vườn: hoạt động chân, tay, thân thể, chăm sóc nuôi dưỡng những cây… Hình ảnh này cho rất nhiều ý nghĩa về việc quan sát thời tiết để tưới nước, mùa vụ để trồng cây, gieo hạt, rồi chăm sóc và thu hoạch…
Làm việc với cây cối cho mỗi người sự mát lành, tươi mới, ngoài ra họ còn được tiếp xúc hàng ngày với tần số rung động nhẹ nhàng của cây cỏ, khác với sự nhiễu loạn của thị phi, như vậy họ cũng sẽ an nhiên bình an, biết đủ hơn…. Và rất nhiều ý nghĩa khác trong hình ảnh đó, các bạn thử giải mã nhé!!
Tôn giáo và ý nghĩa của việc sám hối, xưng tội
Có một điều rất hay mình chia sẻ thêm về việc giãi bày tâm sự liên quan tới Tôn giáo. Mỗi người sống đều có những khổ đau, lỗi lầm, sự tổn thương… họ cũng mong cầu được hiểu, được lắng nghe, giúp đỡ. Và Tôn giáo luôn có phần sám hối, xưng tội… Họ làm điều đó ở một nơi thiêng liêng hoặc riêng tư của Tôn giáo đó, và tất cả điều họ nói ra như được Đấng Trên Cao lắng nghe, tha thứ và thấu hiểu!!! Hoặc vị Cha Xứ lắng nghe họ nói có một cam kết đảm bảo sự riêng tư của họ! Đây là một điều mình thấy rất ý nghĩa trong Tôn giáo!
Trước kia, mình có chơi thân với một cô bạn theo đạo Hồi, mỗi ngày bạn làm gì thấy không đúng, bạn luôn lễ lậy, đọc kinh sám hối, thường mỗi sáng và mỗi tối, như một lời nhắc nhở để không làm những điều đó nhiều hơn. Việc nhìn lại bản thân mỗi ngày, với Đức tin và Ánh sáng sẽ luôn người ta đến một con người khác – đó là khoảng bình an trong tâm hồn.