Đà Nẵng đang mùa mưa và bão. Người dân lúc nào cũng lo tốc mái nhà. Còn mình thì ngồi nhớ quê nhà!

Hôm nay xin chia sẻ một thứ  loại trà lá mà trước kia mình thường được uống nhưng lại ít để ý. Nhưng giờ cứ nghĩ tới nó, mình lại nhớ tới sự vất vả của mẹ mình. Đó là lá vối!

Sự vất vả cũng là niềm vui của Mẹ!

Khi mình còn đi học, để lo cho con cái, mẹ không ngại việc gì. Cùng với nhiều người phụ nữ khác trong xóm, các mẹ rủ nhau đi gánh gạch thuê, có những ngày bị ông chủ nhây, không trả tiền. Và thế là mất việc.

Các mẹ tiếp tục tính việc đi buôn, cứ theo mùa nào thì buôn cái đó. Có những thứ mẹ mình rất thích buôn khi đó, là quả quất ở Văn Giang, và lá vối ở trong làng. Hàng ngày mẹ cùng mọi người đi trên mấy con xe đạp cà tàng, cong mông đạp gần 20 km lên Văn Giang thu mua quất, lá vối.

 

Image by Jacqueline Schmid from Pixabay

Image by Jacqueline Schmid from Pixabay

 

Khi đó còn nhỏ, mình cũng không hiểu được ý nghĩa của đồng tiền, chưa cảm nhận được sự vất vả mồ hôi mà những bậc làm cha, làm mẹ đã bỏ công sức ra.

Giờ cứ nghĩ lại, vào mùa gặt, những tối mẹ thức tới 12h đêm chỉ để tuốt rơm nếp tươi, buộc lại rồi đem treo lên phơi. Và những bó rơm đó có thể đem bán lấy tiền. Mới thấy thật quý trọng mọi thứ! Sách Phật giáo luôn có những điều dạy dỗ về sự biết ơn. Biết ơn tất cả mọi thứ, những vất vả của mẹ cha, những khổ đau, biết ăn thức ăn, biết ơn người nấu thức ăn…..Có lẽ, khi bạn trải qua những sự vất vả đó, bạn sẽ có cảm nhận rõ nét về điều này hơn!

 

Cuộc sống trên sông

 

Nhịp sống của người Đà Nẵng!

Ở Đà Nẵng, Quảng Nam, có rất nhiều loại nước uống địa phương, mà mình thấy các bác già rất hay uống, đó là lá vối và trà xanh. Cứ sáng nào ló mặt ra khỏi cổng, bác hàng xóm đã ngồi ghế đá trước sân, với cốc nước trà xanh vừa được nấu. Rồi sau đó kèm theo lời chào và hỏi thăm. Có lẽ điều mình dần thích cuộc sống ở nơi đây, đó là phong cách sống của mọi người. Gần gũi, chân thật, không tính toán nhiều, thoải mái, nhiệt tình và đặc biệt là thong thả….

 

Sáng sớm bên sông Hàn

 

Mọi người hay bảo nhau rằng, đây là thành phố đáng sống. Ừ, công nhận cũng đáng sống, nhưng mình nghĩ tùy từng người. Bởi bạn bè mình, khi tới đây, có người thấy chán. Cứ 9h – 9h30 tối, hàng xóm đã im ắng, mọi người đã đi ngủ hết.  Rồi gì mà chợ đêm 10h đã đóng cửa, 9h tối là không đổ được xăng trong thành phố (mà 9h30 là những cửa hàng xăng bên ven thành phố cũng đóng cửa rồi). Hàng ăn thì đủng đỉnh, không bao giờ mở sớm. Chưa nói tới việc các cửa hàng khác, bạn đi mua đồ lúc 8h30 chưa chắc cửa hàng đã mở. Rất nhiều tình tiết thong dong của người dân nơi đây nữa, mà chỉ sống ở đây, mới cảm nhận rõ.

 

Mò ốc, bắt cá sớm mai trên sông Hàn

Mò ốc, bắt cá sớm mai trên sông Hàn

 

Đi chợ ở trong đây cũng rất vui, họ rất nhiệt tình, xởi lởi. Nếu bạn không biết cách nấu món ăn gì, họ đều nhiệt tình chỉ dẫn. Có lần bạn con nhà mình bị Chốc lở ở chân, có chị bạn là bác sỹ da liễu – chị cũng là Tiến sỹ da liễu trẻ nhất Việt Nam. Chị khuyên đun lá vối tươi rưả vết thương cho con. Mình ra chợ tìm mua, và cứ hôm nào chị bán rau quen thuộc hái được, là lại gọi điện thoại cho mình ra lấy. Xúc động vô cùng!

Tác dụng của lá vối và thói quen dùng trà lá vối

Và cũng từ đó, mình biết được tác dụng của lá vối để chữa các bệnh về da. Sau đó, bắt đầu để ý thấy các bác lớn tuổi quanh nhà rất hay uống. Thanh nhiệt, giải độc. Mình bắt đầu lôi lá vối khô, mà bố mẹ chồng mình gửi cho, mang ra hãm uống. Thế là sau đó, nó trở thành thứ nước uống quen thuộc của những bạn học sinh thường tới nhà mình. Bạn chia sẻ rất thích uống nước lá hãm nhà mình.

 

Lá vối tươi

 

Sau khi dùng hết, mình lọ mọ đi phơi lá để dùng tiếp. Đi ra chợ mua, chị bán lá vối bảo nếu em đem ủ trong lá sen, có mùi lá sen rất là thơm. Chị còn không quên tặng mình 3 cái lá sen to chảng. Chị dặn mình là đem ủ 5 tiếng rùi đem phơi.

Cách Ủ lá vối!

Mình search Google, rồi gọi điện hỏi mẹ chồng mình cách ủ lá. Mẹ bảo phải làm ướt lá, rồi ủ mấy ngày tới khi lá chuyển sang màu thì thôi. Mục đích là để làm giảm đi vị ngái và đắng chát của lá.

 

Ủ lá vối

 

Mình nhớ khi mình còn nhỏ, mỗi lần mẹ mình ủ, mẹ thường cho vào cái bao tải, sau đó phủ rơm lên. Trước khi cho vào bao tải, mẹ mình cũng đem rấp qua nước. Màu lá khi ủ xong thường có màu nâu, và khi phơi khô nó chuyển qua màu hơi xám nâu

Về cách làm của mình, sau khi để trong lá sen, mình cho vào 1 cái chậu, úp nó lại, và để trong 1 tuần. Lá cũng chuyển màu và sau đó mình đem đi phơi. Với thời tiết ở trong đây, mình phơi 4-5 ngày là được. Nước lá vối lần này đúng không giống những lần mình đã uống. Nó có chút vị của lá sen, mát, và hơi đắng nhưng đắng rất nhẹ.

 

Trà lá vối

 

Cảm giác như uống mất loại trà ủ lâu năm ấy. Tới mức mà hôm nào mình quên không hãm lá vối là chồng lại hỏi. Món này cũng được cậu con nhỏ hưởng ứng, mà mỗi lần uống hắn còn biểu lộ cảm xúc nữa chứ.

Lá vối là loại lá tự nhiên, lại tiện có, làm cũng không mất công. Nếu tiện, hãy mua một nắm lá vối về và ủ và phơi nha. Một bó như mớ rau, đủ để bạn uống cả một năm luôn! Loại lá này uống mùa đông hay mùa hè đều rất ngon. Mùa hè thì thanh nhiệt, mát người, mùa đông thì uống nóng thấy ấm người, thư thái.