Trong một buổi healing về tử cung, dạ dày, trái tim, đầu và mối quan hệ với mẹ, bạn đã đi từ trạng thái khóc vì hận, vì tủi thân, sang trạng thái khóc vì thương đồng cảm, vì thấy bản thân ích kỷ! Tất cả mọi người đều có những nỗi khổ, niềm đau, chúng ta đều đáng thương, cần được yêu thương, được hiểu, được cảm thông. Cũng để hiểu mẹ, hiểu mình, hiểu rằng chúng ta đã kỳ vọng lẫn nhau quá nhiều, quá với khả năng của mỗi người!
Mình đã từng đặt tay cho nhiều phụ nữ mắc chứng trầm cảm sau sinh, với những người phụ nữ lần đầu tiên sinh nở cũng luôn là sự ngỡ ngàng khi tự dưng trở thành một người mẹ mà không có một kỹ năng gì, không được dạy cách chăm con phù hợp với thời đại, rồi nhiều sự than phiền, khiến họ lo lắng.
Bản thân mỗi người phụ nữ khi sinh nở xong họ khá mệt mỏi và nhạy cảm, nếu bản thân họ biết cách làm mình an thì họ có thể xử lý được các vấn đề, nhưng phần lớn không dễ dàng như chúng ta nghĩ. Chính vì vậy khi ở cùng với một sản phụ, chúng ta thực sự rất cần sự tinh tế, một sự sân si cũng toả trường năng lượng tới họ, họ có thể co rúm lại.
Phụ nữ rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh
Trải nghiệm đặt tay với những người phụ nữ như vậy, mình luôn cảm nhận con người của họ bị nhốt lại, hoặc nó đã đi đâu mất bởi sự xâm lấn của những trường năng lượng đen xì. Một trạng thái thẫn thờ vô hồn, một trạng thái co rúm không muốn tiếp xúc với ai bởi sợ tấn công, sợ phán xét, một trạng thái trơ mất cảm xúc, tình yêu với mọi thứ xung quanh “tôi là ai, tôi ở đâu, đứa trẻ này là như thế nào?” v.v… Lắng nghe họ và gỡ những vướng mắc với họ cũng là cả một vấn đề, không hề dễ dàng.
Họ như một đứa trẻ vừa được sinh ra ấy, kiên nhẫn, thấu hiểu, lắng nghe, yêu thương… Cũng bởi họ quá nhạy cảm nên đôi khi họ ghét tất cả, ghét cả đứa con của mình. Bạn chưa hình dung được những người phụ nữ trầm cảm, rồi tự dưng thả con rơi bịch xuống giường. Họ bị người thân mắng, chửi họ, rồi họ tự ghét bản thân, cứ dần dần muốn hành hạ chính họ, xa lánh tất cả mọi người.
Nhưng không phải ai cũng hiểu phụ nữ về mặt năng lượng tâm linh, bởi tất cả chúng ta đều nhìn đời, nhìn người bằng con mắt thực, cái nhìn thực tế. Không biết mạnh mẽ, cố gắng, không hiểu thời đại, không xem tivi, học hỏi là thật đáng trách v.v… Với những trải nghiệm của bản thân khi healing và healing cho người khác, mình vẫn luôn thấy mọi người đều được tha thức, mặc dù về mặt vật lý thì có thể chúng ta sẽ giận nhau ngay lúc đó, nhưng hãy thiền tập (đơn giản là thở để quan sát), chúng ta sẽ học được cách buông và tha thứ cho nhau để có một tình yêu rộng lớn.
Quá trình chạm vào những tổn thương để buông bỏ và thấu hiểu
Bạn có những cơn đau chướng bụng, âm ỉ tử cung và nhói đau ở trong tim, những tiếng nói, suy nghĩ cứ ám ảnh trong đầu. Bạn không tài nào ngủ được, cơn bốc hoả cứ nổi lên, một cuộc khẩu chiến trong đầu bạn giữa nhân vật là bạn và mẹ bạn khiến bạn muốn nổ tung, đầu đau kinh khủng. Rồi bạn tự thoại, muốn xả ra tất cả những bực dọc, giận hờn với mẹ, nhưng mọi thứ nó chỉ diễn ra trong đầu bạn.
Tim bạn đau lắm, cứ đụng tới đó là nước mắt trào dâng, bạn không hiểu vì sao mẹ bạn lại nói những câu nói đó với bạn. Đó là thời gian bạn ở cữ khi trải qua cơn sinh đẻ mệt nhọc, chỉ muốn được nghỉ ngơi mà không cần làm gì nhiều. Việc thức đêm, giấc ngủ không ngon giấc… bạn hi vọng mẹ sẽ ở bên chăm sóc bạn từng li từng tí một như các bà mẹ của những người bạn khác. Nhưng mẹ bạn lại không như bạn kỳ vọng.
Những cảm giác tủi thân, giận hời với mẹ
Bạn chia sẻ rằng mẹ không biết nấu ăn, mẹ chỉ nghĩ ra thăm con chỉ để phụ bế cháu. Bạn nhờ mẹ dọn dẹp thì mẹ ví von bản thân như osin, bạn hướng dẫn mẹ làm việc nhà thì mẹ nghĩ đang bị sai khiến, rồi nói “chả vừa lòng mày”. Biết mẹ không có kỹ năng chăm sóc, dọn dẹp nhưng bạn nói sẽ gắng để bà cải thiện khi ở với bạn.
Bạn nói rất nhẫn nhịn, thông cảm vì mẹ xa nhà, không có sự cáu kỉnh nhưng bạn mệt mỏi khi sinh nở, mẹ bạn thì hay kêu than, để ý nhòm ngó gia đình bạn từ sinh hoạt tới đủ thứ, hàng ngày nói nhớ nhà, muốn về nhà. Tất cả mọi sự bất đồng của cả 2 mẹ con được nén lại, và dồn nén trong người bạn. Và mẹ bạn cũng vậy, nhưng bà khác hơn ở bạn là bà không kiềm chế được những lời nói của bản thân, nên đã buột ra những câu nói khiến bạn thấy đau lòng. Đó là những câu nói ám ở trong đầu bạn “lấy chồng khổ như thế nào cũng phải chịu, bố mẹ đẻ không lo được, cho gì được thì cũng phải chấp nhận”.
Mỗi lần mẹ bạn nhớ nhà, bà lại nói đau chỗ này chỗ kia, bản thân bạn đã mệt, nghe mẹ nói thì chỉ biết nhờ mẹ làm cái này cái kia cho khuây khoả, nhưng mẹ chỉ nói “đúng là 1 mẹ nuôi được 10 con chứ 10 con không nuôi được 1 mẹ”. Bạn quá sốc với điều này, cảm giác như bạn ngược đãi mẹ mình vậy. Với bạn đây là một sự tổn thương ghê gớm.
Thật ra mình biết có những người mẹ buông những câu nói rất vô tình với con cái, nhiều khi là họ kỳ vọng con cái giỏi giang, báo đáp cho họ sung sướng, nở mày nở mặt, so sánh với những người khác và nói “tao thật vô phước khi có mấy đứa con như chúng mày”. Những câu nói làm trái tim đứa con tan nát.
Giận nhiều sẽ gây bốc hoả, mất cân bằng nhiệt trong cơ thể: dưới thì lạnh, trên thì nóng
Cơn hận cứ bốc lên, nước mắt cứ chảy. Mình biết sự dồn nén ở tim cần được giải toả. Sau đó tiếp tục đụng vào cơn đau ở dạ dày, bụng và tử cung, với trạng thái không thể tha thứ, chấp nhận nổi mẹ mình. Bạn luôn nghĩ mẹ là nơi bình yên nhất, khi bạn mệt mỏi nhất có thể trở về và xà vào lòng, để mẹ vuốt ve, che chở, nhưng hiện thực không cho bạn cảm giác đó. Những thái độ, cách hành xử của mẹ bạn giống như cách muốn trút hết muộn phiền của bà lên thân xác khi đang khá nhạy cảm của bạn lúc này – một trạng thái của một sản phụ mới sinh. Điều đó khiến bạn bị phản kháng.
Bạn chia sẻ rằng bạn nhớ khi mẹ bạn ốm, bạn ở nhà trò chuyện, chăm sóc nhà cửa nấu ăn cho bố mẹ. Hàng ngày nghe mẹ than khổ, trút bầu tâm sự về những nỗi phiền lòng của mẹ về bố, về mọi người, bạn nghe hết, hai mẹ con thấy gần gũi, nhưng tới khi bạn như này thì mọi thứ không như bạn tưởng tượng.
Rồi mẹ nói mẹ không hợp bạn, kiểu như mày không phải là con tao, con gái người ta gần gũi tỉ tê kể chuyện với mẹ, còn mày thì không, lương mày không nói cho tao bao nhiêu, mối quan hệ vợ chồng mày cũng không nói. Bạn nói bạn rất kiệm lời việc chia sẻ những muộn phiền, nói xấu người khác, bởi bạn sợ mẹ nghĩ nhiều.
Ký ức mất niềm tin qua sự chia sẻ, tâm sự
Có một lần bạn chia sẻ với cô bạn thân về chồng và gia đình chồng, rồi cô bạn lại kể với mẹ của bạn ấy, và mẹ của bạn ấy lại kể với mẹ bạn. Mẹ bạn buồn, rồi lại thích nói xấu, thích kể khổ. Bạn đơn giản nghĩ nói ra để trút bầu tâm sự, chứ không nghĩ tới việc đem nó đi rêu rao như vậy. Nhưng phần lớn phụ nữ thích tỉ tê kiểu đó. Ngồi không là mẹ bạn rất thích đem người này ra nói, người kia ra nói, bạn thấy điều đó thật mệt mỏi, nên dần đóng lại cánh cửa tâm sự với mẹ, bởi bạn cũng biết mẹ không hài lòng ai là có thể đem đi chia sẻ với người khác.
Bạn nói như vậy rất ảnh hưởng tới các mối quan hệ, quyền riêng tư, danh dự của người khác, nhưng mẹ bạn không thích nghe giáo điều. Bà không bao giờ nhận mình sai, nên bạn rất hạn chế hoặc rất tế nhị trong việc nhờ bà việc này việc kia. Thế rồi lối sống cứ xa dần nhau, một con người sống thầm lặng ở thành phố, một người sống nhộn nhịp ở miền quê. Bạn hiểu vì sao hai mẹ con không thân thiết, vì sao mẹ lại bảo mày chẳng giống con gái tao.
Không ai có lỗi, mà chỉ là ở quê mọi người quen gần gũi theo kiểu đó. Rảnh tỉ tê ngồi tâm sự, những người phụ nữ đau khổ, mọi thứ bị kìm nén cần được nói ra. Bạn cũng hiểu hơn vì sao bà thường buôn điện thoại với những người bạn già rồi động viên nhau về cái chết qua câu nói “cố gắng làm sao sau này đứt thì đứt luôn, đừng ốm đau gì nhé”. Như một cách chia sẻ rằng con cái nó chẳng thân thiết gì để giúp mình giải toả, một trạng thái bốc đồng, nói mánh khoé của những người phụ nữ. Nhưng khoan vội trách, chúng ta sẽ được hiểu tư tưởng này ở đoạn sau.
Nhớ những ngày được mẹ chăm sóc rồi bản thân mình đã lãng quên bố mẹ ra sao
Tiếp tục bạn gợi về những ngày tháng khi bạn chưa lấy chồng, mẹ bạn mua quần áo cho bạn mỗi lần thấy bạn thiếu đồ, mua chăn cho bạn, mua thuốc bổ cho bạn mỗi khi bạn có vấn đề sức khỏe, rồi bà chuẩn bị đồ ăn để bạn mang đi mỗi khi bạn lên thành phố học. Bạn nói “ôi sao ngày đó được chăm sóc kỹ thế, yêu thế”. Rồi bạn nhận ta mình đã thay đổi, không còn gần gũi với mẹ, bắt đầu từ khi bạn có người yêu, bạn kết hôn.
Bạn yêu quên luôn cả bố mẹ, gia đình, bạn ham chơi không biết mẹ cũng mong ngóng bạn kể cho mẹ nghe về tình yêu của con. Nhưng bạn thì lại không để ý, đợi con, hỏi con mà con không trả lời. Lối sống của con thay đổi khi lập gia đình. Thực tế là văn hoá nhà chồng quá khác nhà bạn, và bạn đã học và thích nghi theo văn hoá đó, kèm theo lo nghĩ sợ mẹ nghĩ nhiều nên bạn ít tỉ tê. Và mẹ bạn thấy cứ dần dần xa nhau. Bạn cảm nhận được sự tự ti của bản thân bà với gia đình thông gia, với chồng bạn, vì tự ti nên luôn từ chối tiếp cận, sống chung, đôi khi phân biệt sự giàu nghèo.
Khi những đứa con có gia đình mới, đó như một sự xa cách cả về vật lý và tinh thần, nó dồn mọi thứ cho tổ ấm riêng của mình, và đây cũng là điều khiến nhiều người mẹ thấy hụt hẫng, thấy mất mát. Họ cũng đã từng như vậy, họ thương con họ, lo và muốn biết về cuộc sống của con có hạnh phúc hay không. Họ sợ mất nhiều thứ, bởi coi con cái như tài sản của mình, là nơi để mình nhờ cậy tuổi già, qua câu nói “trẻ cậy cha, già cậy con”.
Hiểu về những vất vả của mẹ, kể cả khi sinh đẻ
Bạn được chạm vào nỗi đau sinh nở của mẹ bạn, mỗi lần chuẩn bị sinh là mẹ bạn lại đón nhận một nỗi đau về sự mất mát: lần đầu là mẹ đẻ mất, rồi mẹ chồng, rồi bố đẻ. Mẹ vừa thiếu người chăm sóc mình, đôi khi phải nhờ những bà cô hàng xóm sang ngủ cùng. Rồi đói nghèo, chồng để mặc bà, ăn cơm nguội, rau khoai, bà quá thiếu sự chăm sóc chu đáo dành cho sản phụ, và bà cũng không biết cách, chưa nói bây giờ mọi thứ đã quá khác xưa.
Bạn thấy mình vẫn còn rất may mắn vì được chồng chăm, được mẹ ở đây phụ giúp, được mọi người quan tâm, được nghỉ ngơi lâu dài. Mẹ bạn thì đã quá thiếu hụt như vậy đấy. Bạn nhớ tới những cơn đau lưng của bà, cũng bởi không được nghỉ ngơi, kiêng khem và lao lực nên sinh ra nhiều bệnh tật, nhưng bạn chẳng giúp gì được mẹ, điều cơ bản nhất mẹ bạn cần là một người để chia sẻ, nhưng bạn từ chối và bạn cũng không đưa được giải pháp nào cho mẹ.
Những trạng thái suy diễn, tiếng nói trong đầu, chán nản liên quan tới việc bạn hàng ngày ở nhà với con, với công việc hàng ngày là ăn, cho con ti, con tắm, ít được đi chơi như thời son rỗi. Điều này khiến bạn bức bối vì không còn tự do, không tự chủ để làm nhiều thứ như trước kia. Thế rồi, bạn chạm tiếp vào những hình ảnh mẹ bạn hàng ngày làm những công việc đó lặp lại, không bạn bè, không ai để nói chuyện, lại không gian thành phố chật chội.
Hiểu để tôn trọng và cảm thông, cho mỗi người quyền tự do ý chí
Mẹ bạn đã bỏ lại cả công việc của mình để lên với con, nhưng năng lượng ở thành phố quá khác. Nhà nào biết nhà đấy, họ luôn đóng cửa, ít giao lưu, chưa nói cách nói chuyện cũng không suồng sã như ở quê, khiến bà khó thích ứng. Khi một người ở một không gian rộng, trường hào quang của họ cũng sẽ rộng, nên khi ở một nơi đông đúc và chật chội, họ sẽ thấy ngột thở. Bạn vừa mới ở nhà với con 1 thời gian mà đã thấy trói chân, mà đấy còn là nhà của bạn, vậy mẹ bạn thì sao – ở 1 nơi xa lạ khiến họ quá khó để thích nghi, nhất là một người lớn tuổi.
Chúng ta luôn kỳ vọng lẫn nhau phải thế này thế kia, phải hy sinh cho nhau mà không hề hiểu nhau, mọi thứ dồn nén lại và nó không bao giờ là tốt. Bạn biết, dù mẹ bạn có miễn cưỡng ở lại cũng chỉ vì bạn, nhưng trong lòng mẹ bạn sẽ đầy dẫy tâm tư bị nén, sẽ không tốt cho cả mẹ, cả bạn, đứa nhỏ, gia đình và ngôi nhà bạn. Hãy tôn trọng quyết định của mẹ, hãy để mẹ về nhà mà đừng làm khó mẹ. Tình thương là cho họ sự tự do với nhu cầu của họ, không phải là sự hi sinh trong khổ đau.
Sẽ luôn có giải pháp tìm người giúp đỡ, chỉ có điều bạn có chấp nhận không. Buông bớt kỳ vọng: bố mẹ kỳ vọng vào con cái, và con cái cũng kỳ vọng bố mẹ phải thế này thế kia, đôi khi nó là gánh nặng lẫn nhau. Bạn nghĩ mẹ ở lại bạn sẽ có cơ hội chăm sóc, cho bà môi trường tốt để nghỉ ngơi, nhưng môi trường này không phù hợp nó lại phản tác dụng, rồi có khi mẹ bạn trầm cảm trước cả bạn cũng nên. Đây cũng là điều mình nghĩ các người phụ nữ thành phố nên thông cảm và hiểu cho mẹ của mình, những người sống ở quê, hai môi trường hoàn toàn khác nhau.
Văn hoá vùng miền đã ngấm sâu vào trong mỗi người, chúng ta hãy học cách chấp nhận nó như một phần ở trong mình
Bạn biết vùng quê của bạn là 1 nơi trọng nam khinh nữ, phụ nữ luôn làm quần quật tối ngày, lo cơm áo gạo tiền, đàn ông thì ngồi mâm trên sai khiến, không đưa tiền cho vợ con. Thừa hưởng đất đai nhưng con gái luôn chịu thiệt thòi, hiếm hoi bố mẹ cho con gái ít đất, có người còn không có. Lấy chồng có sướng khổ như thế nào cũng chịu, không ai nghĩ tới chuyện ly hôn.
Bạn biết những người phụ nữ ở lứa tuổi của mẹ lớn lên trong nghèo đói, khổ cực nhưng không bao giờ nghĩ tới việc ly hôn. Ly hôn rồi thì ở đâu? Bố mẹ không còn, đất cát tài sản không có, ở với con thì con dâu con rể khá phiền phức. Nói chung là họ sẽ luôn chịu khổ, bởi họ khổ nên họ cần chia sẻ qua việc tâm sự. Đó cũng giúp bạn hiểu phần nào câu của mẹ bạn nói con gái lấy chồng sướng khổ phải chịu, cũng bởi mẹ bạn không có gì để cho bạn nữa rồi, mà phụ nữ thì luôn cần lấy chồng, có gia đình, có con cái.
Thực tế các thế hệ giờ khác biệt nhau quá, nên họ không biết nương tựa vào đâu, họ cũng bơ vơ, lo sợ cái chết đến rồi thành gánh nợ cho người khác. Chưa kể đến việc vì quá khác biệt nên họ hay nói, hay so sánh, không bằng họ ngày xưa nhẫn nhịn v.v… Cái này còn ảnh hưởng bởi những bộ phim xem tới não lòng của vấn đề bố mẹ không hợp con cái, xích mích, bị chúng mắng chửi khi về già, bị lẩm cẩm…Họ rất sợ, sợ nhiều thứ, sợ tổn thương, sợ đau hơn.
Thế hệ và xuất thân thời của bố mẹ đã khác qua xa so với thế hệ hiện tại
Mẹ bạn vốn xuất thân trong gia đình nghèo khó đông anh chị em, thiếu thốn nhiều thứ, nên chỉ học tới giữa cấp 2. Bà luôn luôn mặc cảm vì bản thân mình nghèo, vì vậy luôn cố gắng làm việc và chắt chiu để cho con cuộc sống tốt, được học hành tử tế đến nơi đến chốn. Và tận sâu trong bản thân mẹ bạn, đó là một tư tưởng luôn nghĩ mình dốt, câu nói mỗi lần mẹ bạn ấy buột ra khi học một cái gì mới mẻ, đó cũng là một rào cản của những người phụ nữ xưa khi tiếp cận một cái mới.
Bạn không thể thay đổi tư duy của một người lớn tuổi, bạn hãy chấp nhận nó thôi. Đời quá vất vả rồi, họ chỉ muốn được nghỉ ngơi thay vì cố gắng. Rồi bạn bật khóc khi đụng tới điều này. Chẳng ai có lỗi, mà chúng ta quá thiếu cái giang tay để ôm lấy nhau, ai cũng cần sự yêu thương, cảm thông, thấu hiểu.
Điều có thể làm với bố mẹ
Sau khi chạm sâu vào những nỗi đau đó và kết nối với mẹ, với văn hoá nơi bạn được sinh ra, được hiểu bạn đã thấy nhẹ lòng hơn rất nhiều. Bạn hiểu ý nghĩa của việc Niệm Phật, Mẹ Quán Âm và lòng từ bi. Bạn chưa thể giúp gì bố mẹ thì hãy làm những điều tốt và hướng về bố mẹ, bởi trong bạn có những sợi dây năng lượng kết nối, mỗi hành động của bạn hướng đến họ cũng như hành động của họ vậy, và dần dần bố mẹ bạn cũng sẽ thay đổi.
Bố mẹ chỉ thay đổi khi bạn thay đổi và trong tâm hướng sự từ bi, năng lượng của Phật, của Bồ Tát tới họ. Và điều đó cũng có nghĩa là bạn cần khởi nguồn những năng lượng đó, khi bạn có sự thấu hiểu hơn cả, thì mọi thứ sẽ dần chuyển hoá.
Buổi đặt tay giúp bạn hạ hoả, ngủ được là mình mừng lắm rồi, mình biết để chấp nhận một điều gì đó không hề đơn giản, nhất là với một người phụ nữ vừa mới sinh con xong. Nên hãy nghỉ ngơi hợp lý, tĩnh dưỡng tinh thần, người mẹ khoẻ mạnh, tinh thần ổn định, bình an thì đứa trẻ cũng khoẻ mạnh và vui tươi. Đừng ôm quá nhiều việc, nhiều thứ khi bạn vẫn đang là một cái cây non, một cơ thể vừa mới được thanh lọc!