Chúng ta phần lớn khi sinh ra, lớn lên, bị cuốn dần vào nhiều thứ của cuộc sống, có khi là ước mơ, sự nghiệp, lý tưởng, đôi khi là cảm xúc hay các mối quan hệ. Sự phủ nhận bản thân, lãng quên ba mẹ, hay muốn ba mẹ làm theo ý mình để bản thân có thể yên ổn làm việc, để tương lai và sự nghiệp rộng mở v.v…

Nhưng chúng ta không hiểu rằng, việc đồng hành cùng ba mẹ, thậm chí khi chúng ta có con cái, tất cả đều dạy cho chúng ta rất nhiều bài học sâu sắc, về kết nối với chính mình, với bố mẹ, với tổ tiên. Tất cả những điều đó giúp ta hiểu về bản sắc của mình, của gia đình, của dân tộc, thay vì chối bỏ khi nhìn vào những khía cạnh tiêu cực!

Vấn đề liên quan tới tổn thương tim và tính nữ

Trong một buổi đặt tay “healing” cho một bạn, phần lớn những tổn thương trong bạn liên quan rất lớn tới mẹ của mình. Những ký ức ám ảnh trong đầu, trong tim, gây những trạng thái trong bạn: lạnh bụng, tử cung, đau tim, da xanh sao, hay choáng váng, cảm thấy cơ thể thiếu sức sống, chỉ muốn nằm. Những sự tổn thương đến từ thực trạng xã hội, những tư tưởng, hay những từ mẹ ảnh hưởng sang bạn.

 

Image by StockSnap from Pixabay

Image by StockSnap from Pixabay

 

Bài chia sẻ hi vọng giúp ích phần nào cho mọi người trong việc tìm lại chính mình, giới tính của mình, bản thể của mình và yêu thương, thấu hiểu những điều đó!

Sự chối bỏ bản thân đến từ những vất vả của mẹ, coi con gái là khổ và tư tưởng “đàn ông là chỗ dựa cho phụ nữ”

Khi đặt tay vào tim bạn, là những khoảng trống đen tối với những lời mắng, những trận đòn của mẹ. Với bạn, những điều này đã hưởng tới tâm hồn lẫn thể xác. Bạn cảm thấy cô đơn và đầy sợ hãi, không tin vào bản thân có thể bảo vệ chính mình, bạn có xu hướng cần những người đàn ông để dựa dẫm. Và một loạt những hình ảnh với những ký ức tổn thương với mẹ xuất hiện, bạn thấy đau tim. Hình ảnh rõ nét nhất là cảnh mẹ đứng đó, quát mắng và đánh bạn, bạn ôm đầu, đầy sợ hãi và ấm ức.

Và sau đó bắt đầu quá trình “healing” đứa trẻ của tuổi thơ, thấu hiểu để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực. Bạn được hướng dẫn kết nối chính mình, hiểu về đứa trẻ tổn thương khi đó. Tiếp theo là kết nối với mẹ, để thấu hiểu sự vất vả, những nỗi đau và những cảm xúc tâm tư trong bản thân mẹ. Bạn cảm nhận sự lao lực, đơn độc, sự gồng gánh, đó là những giọt nước mắt, sự đau đớn trong tim của mẹ.

 

Image by Jacqueline Schmid from Pixabay

 

Ba bạn vốn đi làm xa, cứ cuối tuần hoặc vài tuần mới về thăm gia đình. Một mình mẹ bạn gồng gánh chăm sóc gia đình và hai đứa con. Sự cô đơn không có người đàn ông đồng hành bên cạnh mẹ, những bực tức, bế tắc không biết chia sẻ cùng ai. Cứ ngày qua ngày dài như vậy, mưa dầm thấm đẫm. Bạn chia sẻ về nhiều chứng bệnh mẹ có trong người: bệnh xoang, đau lưng, phổi, đau nhức xương khớp v.v… Thế mới thấy, mẹ chúng ta đã quá tảo tần để chăm sóc và nuôi nấng chúng ta. Mà khi còn nhỏ, chúng ta với sự hồn nhiên, đã vô tình không để ý đến điều đó.

Nỗi cô đơn của mẹ và những gồng gánh trong chính bản thân

Hình ảnh mẹ bạn sinh em, mẹ bị băng huyết, ba thì vẫn xa nhà. Hàng ngày bà ngoại tới chăm mẹ, rồi tối bà lại về. Cứ ngày qua ngày như thế. Cả một sự cố gắng của bản thân, mệt mỏi về cả thể xác và tâm hồn. Mẹ cũng áp lực với tư tưởng trọng nam khinh nữ, thấy bản thân mình khổ, đan xen những căng thẳng, dư luận.

Mẹ thấy đàn ông thật sướng, mẹ cưng chiều anh trai bạn hơn. Bạn thấy những kỷ niệm mà mẹ hắt hủi mình, thương anh trai. Dần dần cứ ăn mòn dần trái tim bạn, bạn thu mình lại và tránh xa mẹ.  Và cứ dần dần như vậy, như tần số năng lượng giữa 2 người xa nhau hơn. 

Thay vì có người để chia sẻ với những khó khăn, mẹ trút giận nên con gái với những trận đòn, hay những lời mắng. Và nếu ai đã từng làm mẹ, nuôi con nhỏ sẽ thấm thía cảnh này, những khi chúng ta căng thẳng, việc quát mắng con cái không phải không có.

 

Photo by Suhyeon Choi 251615 from Unsplash

Photo by Suhyeon Choi 251615 from Unsplash

 

Và bắt đầu nổi lên tư tưởng từ mẹ bạn “phụ nữ là khổ”, nên mẹ không thích luôn cả con gái. Điều này còn ảnh hưởng từ những cái nhìn của mẹ dành cho những người cô trong gia đình nội của bạn. Những câu nói dính luôn vào cuộc đời bạn. Rồi sau đó đụng tới những cô đơn, hay một mình phải chịu nhiều vất vả chăm nuôi những đứa con trong những thời gian chồng đi làm xa, mẹ có tư tưởng đàn ông là mạnh mẽ, là nơi dựa dẫm, và tư tưởng này ảnh hưởng tới bạn luôn. Hay sự phán xét của xã hội dành cho mẹ, mẹ dành luôn sự phán xét cho bạn… Và dần dần, bạn biến mình luôn luôn ở trạng thái nạn nhân, luôn có xu hướng đón nhận những điều tiêu cực vào người. 

Hiểu mình để hiểu mẹ, hiểu mẹ để hiểu mình!

Khi trải nghiệm một loạt những tổn thương ở vùng tim, vùng luân xa 2, luân xa 3 với mối quan hệ với mẹ. Bạn nhận ra, những trạng thái này của bạn hầu như trong mẹ đều có. Thế mới hiểu, tại sao trong Phật giáo từng nói “trong chúng ta có những hạt giống cả khổ đau lẫn hạnh phúc của tổ tiên, bố mẹ mình”. Chúng ta chuyển hóa chính mình, cũng là chuyển hóa những hạt giống khổ đau đó trong gia đình, thay vì oán hận, hãy ý thức để chuyển hóa nó.

Quay về việc đặt tay cho bạn trên, sau khi hiểu được sự vất vả của mẹ, những cảm xúc cô đơn… trong mẹ, bạn đã phần nào hiểu mẹ mình hơn. Bắt đầu nhìn lại tình trạng của mẹ, với sức khỏe yếu và cơ thể đang mệt dần, bạn thấy thương yêu mẹ, và buông bỏ phần nào những cảm xúc tiêu cực cho mẹ. Như một cách thấu hiểu mình, rồi thấu hiểu mẹ. Chặng đường bạn đi cũng gian nan như vậy, tất cả để cho bạn hiểu về gia đình, về việc làm mẹ, về gốc rễ của mình, về tính nữ và ảnh hưởng tới sự chối bỏ tính nữ như thế nào. Bạn chuyển hóa cũng là khi bạn thay đổi trạng thái năng lượng của bản thân. 

 

Image by 罗 云 from Pixabay

 

Và điều của bạn giờ là kết nối lại với mẹ, với những thứ gần gũi thân thuộc nhất, sau những xúc chạm cảm xúc ở tim, thấu hiểu và giải tỏa nó. Đó cũng là việc kết nối lại với bản thân với tính nữ. Và đó cũng là khởi đầu để bản hiểu việc làm mẹ đơn thân với hai đứa con cùng sự cô đơn, vất vả với những áp lực dư luận và xã hội như nào! Hiểu mình để hiểu mẹ, để là tri kỷ của mẹ!

Chia sẻ về việc kết nối lại với mẹ của bản thân mình

Khi đặt tay cho bạn, mình sực nhớ tới mẹ của mình. Mình cũng vốn có tuổi thơ không thân thiết với mẹ cho lắm. Việc nuôi nấng những đứa con, tạo điều kiện cho anh em mình đi học. Mẹ muốn các con thoát khỏi cảnh nông nghiệp, mẹ lăn lộn đủ nghề để kiếm tiền. Làm việc nhiều tới mức hầu như mẹ không hề có thời gian cho các con.

Mình nhớ ngày bé mình khá bướng, nhiều khi mẹ nói không nghe, mẹ mắng, có đợt cãi lại, mẹ bạt tai cho cái, mà ấm ức lắm. Có những ngày mẹ nói không nghe, rồi mẹ bảo đi ra khỏi nhà, mình cũng giận dỗi đi luôn, nhưng chỉ dám ra ngồi ở cổng. Trẻ con mà, nghĩ mẹ đuổi ra khỏi nhà thì đi thôi, nhưng không dám đi đâu xa, cứ ngồi ở cổng chơi, trưa cũng không vào nhà. Mình cũng không nhớ ngày đó mình nghĩ gì nữa. 

 

Photo by freestocks.org from pexels

Photo by freestocks.org from pexels

 

Cuối cùng mẹ mình phải ra gọi về, rồi mẹ cười trêu với mọi người “đấy, đuổi nó đi là nó đi luôn”. Mình nghĩ lại những kỷ niệm tuổi thơ đó thấy buồn cười thật. Thực sự với đầu óc trẻ con, mình không hiểu ra nhiều điều giá trị lắm trong cuộc sống. 

Thiếu tình yêu thương hay thiếu hiểu về tính nữ của bản thân

Việc lớn lên, với những vất vả của mẹ, lại thân thiết và được các anh trong nhà chiều hơn, nên mình cũng không có nhu cầu tâm sự với mẹ lắm. Lớn lên nữa cũng vậy, nhiều khi mẹ nói với mình, là sự khuyên nhủ, con phải thế này thế khác, lúc đó cảm giác của mình là sự ngột thở.

Sau này mình mới hiểu, đó là trạng thái bị thiếu tình yêu thương trong chính mình. Chưa nói tổn thương vùng phổi, với những lao lực mà chính bản thân mình từ bé cũng đã trải qua, mình cũng làm việc chăm chỉ, và lớn lên cũng vậy, luôn có xu hướng làm việc hùng hục, đôi khi có tư tưởng “có lao động mới có cái ăn”.  Lao lực về sức khỏe, về ảnh hưởng cảm xúc hay tư tưởng bản thân. Nên nhiều khi mẹ mình khuyên can, mình bức bối và không có xu hướng nghe. Và rất nhiều thời điểm đã tương tự như vậy.

 

Mò ốc, bắt cá sớm mai trên sông Hàn

 

Sau này mình hiểu ra, để kết nối với mẹ, là cả một sự thấu hiểu, đến từ những thứ rất giản dị trong đời sống. Mẹ mình vốn rất thích mình cọ lưng khi mẹ tắm, xưa khi còn là sinh viên, mỗi khi về nhà, mẹ mình lại nhờ mình cọ lưng. Lúc đó mình không quan tâm lắm, chỉ làm theo kiểu có vì mẹ nhờ.

Người bạn tâm giao của mẹ chính là con gái!

Lâu dần, thấy việc làm này lại đem đến một cảm giác khác, những cuộc trò chuyện ngắn của mẹ trong lúc cọ lưng, hay trong lúc cùng nhau ngồi bên bếp lửa nấu cơm. Mình cảm nhận dần là mẹ mình rất muốn có 1 người thực sự thân thiết để chia sẻ, và mẹ tin con gái của mẹ!  

Và nhất là những khoảng thời gian, tự dưng sức khỏe mẹ yếu hơn, mình chuyển về nhà ở một thời gian, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những bữa cơm chay cho bố mẹ, chăm sóc những đau nhức trên người mẹ bằng diện chẩn. Trong những ngày hơ điếu ngải cho mẹ, dành toàn thời gian 2 mẹ con nói chuyện với nhau. Có lẽ cảm giác được người khác chăm sóc, được lắng nghe, cứ dần dần cho mình một cảm giác khác. Đầu tiên là lấy lại sự gần gũi, sau đó bắt đầu lắng nghe nhau, và tiếp đến là dần hiểu và tôn trọng, yêu thương nhau. 

 

Image by chiisaihana20200 from Pixabay

Image by chiisaihana20200 from Pixabay

 

Những ngày được chăm lo nhà cửa, bữa cơm, chăm lo cho bố mẹ. Thái độ của mẹ mình cũng khác hẳn, mẹ vẫn có nhu cầu nói chuyện, nhưng mẹ không còn có tư tưởng khuyên bảo mình theo xu hướng mong muốn như xưa, mà như kiểu nói cho nhau nghe để hiểu hoàn cảnh của nhau hơn. 

Nỗi buồn của mẹ khi phải chia xa con gái!

Mình nhớ đợt, trước khi mình quyết định chuyển vào Đà Nẵng sống, mẹ mình gọi điện rất nhiều, muốn khuyên can mình không đi, mẹ vẫn lấy nhiều lý do “chồng mình là con một, không nên đi xa để ông bà nội ở nhà một mình như thế, xa con cái ông bà buồn” v.v… Ngày đó, mình nghĩ cần chuyển vô đây, lý do của mình không phải là trốn tránh hay một lý do cá nhân nào khác.

Đơn giản muốn chuyển để đổi môi trường sống cho con, cho con đi học với nguyện vọng ăn chay và được tắm biển sẽ giúp chứng chàm của con giảm bớt đi. Nhưng mình không thể giải thích hay nói cho mọi người hiểu về việc đó: việc cả nhà mình ăn chay, nuôi con không như những người xung quanh làm đã khiến mọi người thấy “không hòa nhập rồi”.

 

Image by Thomas B. from Pixabay

 

Mọi người vẫn thường bảo, cho nó tiêm thuốc, ăn thịt, đi học trường học như những đứa trẻ khác, tại sao phải làm cái khó và vất vả như thế. Biết nói sao bây giờ, bởi số đông vẫn ảnh hưởng nhiều hơn, nên dễ hiểu là người thân quanh mình cũng bị tác động mạnh hơn. 

Chạm vào nỗi buồn và xả qua việc đặt tay

Đó là chia sẻ một chút việc mình chuyển vô Đà Nẵng, nhưng vô tình điều đó khiến tâm bệnh của mẹ mình nặng trĩu, tim và dạ dày. Mẹ mình bị mệt, như trạng thái tụt huyết áp trong nhiều ngày, nhưng không có chia sẻ tình trạng sức khỏe với mình. Sau đó bố mình có nói, mình về nhà trước khi đi Đà Nẵng. Bữa đó mình đặt tay cho mẹ và mình đụng tới trạng thái “buồn tới não lòng, tới thối ruột” của mẹ, hoá ra đó là cảm giác sẽ phải chia xa mình, nó đau tim, nó ngột thở, nó cương hết dạ dày, đau quặn bụng.

Và buổi đặt tay hôm đó mình nôn thốc nôn tháo, xả những thứ dọc từ bụng, từ dạ dày, từ tim, từ phổi ra miệng. Mẹ mình sợ quá, nhưng mình trấn an mẹ rằng, đó là việc rất bình thường thôi. Thế rồi sau đó mẹ mình ngủ khì, mình vẫn tiếp tục đặt tay.

 

Image by Jonny Lindner from Pixabay

Image by Jonny Lindner from Pixabay

 

Và sáng hôm sau mẹ mình chia sẻ rằng “hôm nay mẹ khỏe hẳn, làm từ 5h sáng tới 8 giờ, không ăn uống gì mà người vẫn tỉnh táo”. Mình thì cười khì, mẹ buồn con biết, nhưng con vẫn phải đi thôi ạ. Nhưng lạ là sau những buổi đó, mẹ mình không còn khuyên can mình nữa. 

Đi xa để trở về

Đi xa cũng có những giá trị của nó, giúp cho chúng ta nhận ra việc con cái phát triển ra sao khi nó không gần mình. Những cuộc gọi điện, hay những ngày về chơi, mẹ mình bắt đầu có xu hướng rất khác, là tôn trọng những quyết định của con, dù con ở đâu, nó tốt thì mẹ cũng đồng ý. Và những cuộc gọi điện, mẹ mình vẫn than vãn, vẫn cần người để giải tỏa.

Mình hiểu rằng, mẹ có nhu cầu để giải tỏa, để thấu hiểu, và mình tôn trọng điều đó. Chứ trước kia cứ nghe mẹ mình than là mình muốn ngắt cuộc gọi rồi. Thực ra để nghe người khác than vãn với tâm trạng bình thường, không phán xét ngoại cảnh, không kích động họ là cả một sự kiên nhẫn, mà đôi khi là trải qua cả sự kích động rồi mới nhận ra cái đó. 

 

Image by StockSnap from Pixabay

Image by StockSnap from Pixabay

 

Mình hiểu ra rằng, hãy tôn trọng mẹ, lắng nghe mẹ, hiểu mẹ, hãy để mẹ được làm những gì mình thích, để mẹ thấy tự do, vui vẻ. Phần lớn, khi con cái lớn dần, muốn bố mẹ được an nhàn, nhưng thay vì hiểu, thường bắt hay thỏa thuận bố mẹ làm cái này, cái khác, nhưng thật sự họ không hiểu bố mẹ mình muốn gì, cần gì.

Hãy tôn trọng những mong muốn, ước vọng của cha mẹ

Mỗi người đều có những điểm mạnh khác nhau, và khi về già, họ vẫn muốn sống với cái điểm mạnh của mình, cái đó cho họ niềm vui, chúng ta không thể bảo họ từ bỏ nó, để làm theo ý của chúng ta được.

Mình đã từng gặp một bác lớn tuổi, 83 tuổi, là giảng viên điện một trường Đại học nổi tiếng. Bác sống một mình trong căn nhà, tự chế tạo những đồ điện trong nhà, cứ mò mẫm hàng ngày, rồi viết những bản thảo mỗi đêm. Đơn giản làm việc cho bác cảm giác thư thái, và quan trọng là họ không cảm thấy mình vẫn đang được sống với việc mình thích, cuộc sống vẫn đang còn ý nghĩa.

 

Image by Merio from Pixabay

 

 Đừng ép buộc hay tạo cho họ những tư tưởng là gánh nặng: phải giúp con cái chăm sóc cháu, phải lo cho con cháu được như này, phải sống sao cho con cái nở mày nở mặt… Ba mẹ đã hi sinh phần lớn cuộc sống của mình để làm việc, chăm lo cho chúng ta, khi về nhà hãy để họ được thở, được nghỉ ngơi, được tự do làm những điều họ thấy thoải mái và yêu thích.

Ba mẹ là những người Thầy lớn của chúng ta!

Và mình thấy, điều chúng ta có thể làm, là lắng nghe, yêu thương, thấu hiểu được ba mẹ, chứ không phải là muốn ba mẹ sống theo ý chúng ta. Có những người ảnh hưởng bởi xã hội xung quanh rất nhiều, họ phán xét bố mẹ mình, ảnh hưởng tới danh tiếng và đời sống của mình.

Họ quay sang trách móc, ép buộc bố mẹ v.v… Nhưng họ đâu biết, bao nhiêu năm cuộc đời, quen một lối sống, phong thái, thay đổi đâu có dễ dàng. Mà họ có xu hướng làm những điều thấy thoải mái hơn, bây giờ yêu cầu làm một cái mới, trong khi chúng ta không kiên nhẫn, thấu hiểu, mà quay sang ép buộc thì sẽ như nào? Đó chỉ là sự xa cách phải không?

 

Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels

Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels

 

Sau buổi đặt tay cho bạn, rồi nhìn lại quá trình kết nối lại với bố mẹ, mình thấy thật biết ơn những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, đôi khi là những cảm xúc tiêu cực của mình. Biết ơn những khoảng thời gian thay đổi để cho mình dần dần hiểu được việc thấu hiểu, lắng nghe, kết nối và tôn trọng những sở thích, mong muốn nguyện vọng của người khác.

Mình hiểu rằng, dù ba mẹ mình có là ai, làm những gì, có những điểm xấu gì, thì họ vẫn luôn là ba mẹ mình, là những người đã dưỡng nuôi, luôn bảo vệ và lo lắng cho mình cho tới bây giờ. Ba mẹ vẫn là những người thầy lớn của cuộc đời!