Trong khóa Hand về Tim, phần lớn mọi người đều xả khá nặng nề. Như chính bản thân mình cũng vậy, trước kia hầu như mình không mấy khi bị nhói đau ở tim. Nhưng trước và trong khóa học này, khi thực hành đặt tay cho người thân, rồi cho bản thân, tim mình bắt đầu nhói đau, cả những trạng thái hụt hơi, mệt nhọc.

Tương tự trong những buổi học, khi đặt tay cho một vài bạn, đặt cả buổi mà trái tim không ngớt đau, và ngay chính bản thân các bạn cũng thấy vậy: hoặc nghẹt thở, hoặc nhói đau, hoặc nặng nề như có đá đè, hoặc tối om như bóng đêm, hoặc như thiếu máu, hụt hơi. Và xả khá nhiều về cảm xúc, tư tưởng – những thứ đã nằm yên từ rất lâu trong mỗi người. Kết thúc buổi học, tình trạng xả vật lý vẫn tiếp diễn, đó là cơ thể mệt nhoài và sốt nóng hoặc lạnh.

Để chạm vào trái tim mỗi người không hẳn là dễ, bạn hãy thử đặt tay lên ngực chính bạn, cảm nhận nhịp đập của trái tim xem sao? Trong những lớp mình đã tham gia giảng dạy lẫn dẫn thiền, cả Timeline hoặc Hand Healing, không ít bạn đều không cảm nhận được nhịp đập của tim, chưa nói là không xác định được tim nằm ở đâu. Xúc chạm về vật lý đã khó, xúc chạm vào cảm xúc ẩn sâu bên trong còn khó hơn. Đôi khi những tổn thương tại tim về đau khổ, dằn vặt, oán hận, yêu thương… vẫn nên và cần thiết để xảy ra, nó sẽ cho chúng ta có những trải nghiệm phong phú trong chính bản thân mình, trong đời, và cũng giúp ta trưởng thành hơn. 

Bạn có nghĩ rằng, 1 đứa bé 4 tuổi, nếu xả ở tim, nó sẽ xả như nào không? Một cách rất tự nhiên như vốn có của trẻ con. Mình xin kể lại câu chuyện về cậu bé này. Có lẽ đọc đến đây, một số người cũng đoán được cậu bé này là ai, nhưng mình sẽ không đề cập đích danh.

Trước khi mình đặt tim cho cậu bé, cậu ở tình trang hay cáu kỉnh, không muốn bị ép buộc. Mình đặt tay và lên một timeline rất xa xưa. Timeline này liên quan tới mẹ cậu bé. Trong mối quan hệ đó, hai người họ là những người bạn, lớn lên bên nhau từ nhỏ, gắn bó thân thiết với nhau. Khi bên nhau học thấy tự do, hạnh phúc và thoải mái thể hiện chính bản thân mình. 

 

Photo by Pixabay from Pexels.com

Photo by Pixabay from Pexels.com

 

Tình trạng xả tim không ngừng nghỉ, cậu bị sốt. Đêm hôm đó, người cậu nóng bừng. Sáng hôm sau khi thức dậy, cậu ôm tim và nói “mẹ ơi, con đau chỗ này”. Khá là bất ngờ, bởi 1 đứa bé 4 tuổi ôm tim và nói đau tim. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng chú ý và để mẹ cậu bé phải suy nghĩ, cho đến sáng đó, cậu vật vã nhớ về những món ăn và kỷ niệm cùng những cảm nhận của chính bản thân cậu.

Cậu khóc như cần được lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương. Cậu khóc nức nở, mẹ cậu ngồi gần, ôm cậu như mọi lần, an ủi, và hỏi có chuyện gì. Bắt đầu tuôn trào, cậu như vớ được mạch. Mình xin chia sẻ những thứ cậu bé đã thổ lộ:

Cậu nói:

“Mẹ ơi, vì sao cô H lại ăn bánh, bánh đó có trứng mà”.

Mẹ cậu hỏi lại rằng:

“Con muốn ăn bánh đó à?”

Cậu lắc đầu bảo không, nhưng cậu vẫn hỏi lại:

“Bánh đó có trứng, vì sao cô lại ăn”

Rồi cậu lại khóc. Cậu bắt đầu bộc lộ cho mẹ hiểu rằng, cô giáo cũng như bố mẹ của cậu vậy. Cậu vẫn luôn đã nghĩ rằng, các cô cũng ăn chay thuần như gia đình cậu, không bánh đường, sữa, trứng. Điều này khiến mẹ cậu nhớ tới bài hát cậu đã hát khi về nhà “cô giáo như mẹ hiền”. Và điều cậu nhìn thấy cô ăn, nó là một cái gì rất khác biệt. Kiểu như cậu đang hoài nghi về những thứ cậu đã cho là đúng, phải thế này thế kia. Hay một sự vụn vỡ, khác biệt. Mẹ cậu đã phải rất kiên nhẫn để giải thích cho cậu hiểu, mỗi người có một lối sống và ăn uống khác nhau. Bạn thấy đấy, cảm nhận và suy nghĩ trẻ con đôi khi cũng không đơn giản như mình nghĩ.

Cậu lại nhớ tiếp về các món bánh trước kia mẹ cậu hay làm. Cậu khóc và nói:

“Tại sao giờ mẹ không làm bánh cho con ăn nữa, con muốn ăn bánh mẹ làm”.

Người mẹ lúc này thật sự rất xúc động. Khi một đứa trẻ, lớn lên và sống xung quanh mọi người, họ dùng bánh kẹo, đường sữa, còn nó có 1 lối sống khác: không bánh công nghiệp, không đường, không sữa. Bản thân nó lại không được đáp ứng những thứ rất bình thường như các bạn, và nó bị lãng quên sở thích của mình, cũng như tự nó nhận ra mình lạc lõng so với những người xung quanh, gần gũi nhất là bạn bè và cô giáo của nó. Thì đó quả là điều chúng ta nên chú ý.

 

Photo by freestocks.org from pexels

Photo by freestocks.org from pexels

 

Khi xưa, khi mẹ có nhiều thời gian cho cậu, cô thường hay làm nhiều món con rất thích, đôi khi là bánh rắn như gỗ, nhưng cũng khiến cậu thấy hân hoan và thích thú vô cùng. Và điều lạ ở cậu bé, là cậu thích hầu như tất cả các món mẹ cậu làm, mặc dù người khác chẳng thấy ngon, nhưng với cậu là một sự tận hưởng thích thú vô điều kiện.

Đấy là thời gian trước kia, còn giờ đây mọi người đều quay về lối sống thường nhật của con người hiện đại: cậu đã đi học, bố mẹ cậu đi làm, và cậu không còn được thưởng thức những món mẹ làm trước kia nữa. Trong khi đó, bạn bè xung quanh có khá đủ đầy các thứ trong cuộc sống: được ăn bánh, có bánh sinh nhật, được ăn bánh quy. Trong khi cậu, thì không phải lúc nào cũng sẵn có, thỉnh thoảng có dịp bố mẹ cậu mới kiếm được bánh cho cậu.

Rõ là một sự thiếu thốn, khá tủi thân của một đứa bé (với cảm nhận của nó), đôi khi  đó còn là sự cấm đoán của người lớn. Người lớn đôi khi dùng ý chí để áp đặt 1 đứa trẻ, còn chúng lại thể hiện 1 cách rất tự nhiên. Tụi nhỏ chưa cần nghe quá nhiều để hiểu, chúng chỉ cần khám phá lúc này. Và điều này xoáy sâu vào trong tim cậu, cậu thấy tủi thân, với chính đám đông cậu đang sống cùng. Để cho trẻ hiểu những điều này, thật không dễ, bởi cộng đồng xung quanh cậu đang hiển hiện ra trước mắt, ta không thể phủ nhận. Nhưng làm sao để trẻ hiểu, lại là cả một chặng đường dài sau này. Đôi khi đó là những trải nghiệm chúng cần đi qua trong đời. 

Rồi cậu bé tiếp tục:

“Tại sao mẹ không làm sữa hạt cho con uống nữa? Con muốn uống sữa hạt mẹ làm”. “Cái lò nướng nhà mình đâu rồi, mai mẹ mua cái lò nướng mới về đi, mẹ làm bánh cho con ăn”. Cậu vẫn khóc. Lại tiếp:

“Ở trường con, hôm qua bà bạn Bud tới đón bạn đấy, con muốn được ông bà đưa con đi học, rồi đón con về”.

Và nói xong câu này, cậu khóc rống lên, nức nở và nấc từng cơn. Cậu tuy lớn lên từ bé cùng bố mẹ, không mấy khi ở cùng ông bà. Tuy không gặp ông bà nhiều như gặp bạn bè, nhưng cậu biết ông bà rất thân thuộc và gắn bó với mình. Cậu còn nhắc tới các bác, các cô, các anh chị đang sống ở ngoài Bắc của cậu. Cậu đang nhớ họ rất nhiều, ngay lúc này.  

Với đôi mắt của trẻ thơ, chúng quan sát biểu hiện yêu thương hàng ngày của những người quanh chúng, chúng sẽ thắc mắc và hỏi. Và việc quan sát sự yêu thương bà dành cho cháu, không khỏi chạm vào sự thiếu hụt nơi cậu. Rõ ràng, việc sống xa ông bà, anh chị em trong nhà, đã ảnh hưởng mạnh tới cảm xúc trong tim của một đứa trẻ. Và các bạn thấy đấy, ông bà yêu thương các cháu vô điều kiện, cũng như bố mẹ dành cho con cái, nhưng khác biệt là ông bà để chúng được tự do hơn.

 

Photo by Juan Pablo Arenas from Pexels

Photo by Juan Pablo Arenas from Pexels

 

Cậu nói:

“Tối nay con muốn gọi điện cho ông bà, con muốn gọi ông bà vào đây, ở với con, đưa con đi học, đón con về”.

Nói thật, với một người mẹ, khi lắng nghe con mình bộc lộ cảm xúc, không ai lại không rớt nước mắt. Cô cứ tưởng, mình đã cố gắng cho con cái phù hợp và tốt cho con, nhưng cái quan trọng hơn cả, đó là việc sánh bước cùng con. Nó cần thiết hơn rất nhiều. Cần cùng con đi qua những giai đoạn biến động trong tâm lý và nhận thức. Chúng ta có thể bị cuốn theo công việc, sở thích của bản thân, nhưng mỗi người đều muốn có một người bạn để hiểu mình, chia sẻ cùng mình, sánh bước cùng mình đi qua những áp lực của cuộc sống. Và trẻ con cũng vậy, những năm đầu đời, bố mẹ là những người bạn vô cùng quan trọng với con. Chúng ta hãy để thời gian đó thật sự có ý nghĩa, cho con hành trang vững vàng để bước đi bình an trong đời.

Và để giải quyết 1 loạt các vấn đề xả về cảm xúc, hoài niệm của cậu bé hôm đó. Mẹ cậu lắng nghe, ôm cậu, và quyết định cả 2 mẹ con sẽ cùng nhau làm sữa hạt và làm bánh rán. Mặc dù cậu còn sốt, nhưng vẫn rất vui sướng. Cậu ngồi nhìn mẹ lọc, lấy đồ khi mẹ cần, cùng ấn nút cho máy xay, cảm giác như cậu cũng đang được làm chính công việc này, chứ không phải riêng mẹ.

Cậu uống cốc sữa hạt đầy hạnh phúc, rồi sau đó lăn ra ngủ. Và buổi chiều cậu thức dậy, người cậu đã hạ sốt, cậu muốn được mẹ dẫn ra ngoài chơi. Và thế là cậu quên mất việc mình đang bị ốm. Nói đúng hơn là cậu khỏi ốm sau giấc ngủ trưa.

Chúng ta không thể ngờ rằng, trong tim 1 đứa bé là cả 1 sự thổn thức về sự lạc lõng với thế giới xung quanh, sự thiếu hụt tình cảm trong đời sống gia đình (từ ông bà, các cô bác, anh chị em), hay những dồn nén nó bị ép buộc hàng ngày bởi những luật lệ do bố mẹ và nhà trường đưa ra. Có những đứa trẻ sẽ quên đi những thứ đó, bởi nó được cuốn vào nhiều thú vui trong đời sống hàng ngày, nhưng với nhiều đứa trẻ khác, cái gì nó thấy thiếu, nó sẽ thấy thiếu, nhất là tình yêu thương.

 

Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels

Photo by Quang Nguyen Vinh from Pexels

 

Thế mới thấy, những đứa trẻ thiếu sự yêu thương của cha mẹ, nó sẽ nặng nề như thế nào, phải chăng như một sự đóng tim, đóng cảm xúc hoàn toàn, hoặc một sự thu mình trong đám đông, trong xã hội.

Người lớn hay dùng lý trí để ép con trẻ, yêu cầu nó phải thế này thế kia “là đàn ông phải mạnh mẽ, không được khóc”, “con trai chỉ chơi với con trai”…rất nhiều điều người lớn dạy dỗ đã hình thành lên một điều lệ trong cuộc sống của một đứa trẻ. Và điều đó mất đi tính tự nhiên trong chính chúng.

Đôi khi, mỗi người có thể oán trách bố mẹ, vì những thứ chúng ta đã phải trải qua ở tuổi thơ, nó không mấy vui vẻ, và ta tự hứa với lòng mình, sẽ không làm vậy với con cái. Nhưng khi có con rồi, trong những lúc vô thức, chúng ta đã hành động y như cái mà ta gọi là “lỗi lầm của bố mẹ” với chính con cái của chúng ta. Ta bị cuốn vào cơn giận, và ta lại gieo hạt mầm đó lên con mình.

Khi trải qua những điều này, bạn sẽ hiểu hơn về câu nói “trong mỗi chúng ta đều có những hạt giống khổ đau của ông bà, cha mẹ, tổ tiên”. Và đấy là một phần để hiểu, sau khi đặt tim, mà lên tư tưởng gốc từ đời xa xưa, tới ông bà, bố mẹ, của mình. Bố mẹ đều nối những sợi dây từ tim với con cái, tình yêu từ trái tim.

Và chạm vào tim, hãy chạm một cách chân thành nhất, chấp nhận nhất, tự nhiên nhất. Cứ đón nhận nó, cho nó xả ra, với sự thư giãn hít thở tại tim, ở một trạng thái bình an. Rồi bạn sẽ thấy, ẩn trong tim mình, còn nhiều thứ mà chúng ta không thể ngờ tới. Nội lực trong chính trái tim mình.