Có những ngày mệt nhoài trong cả thể xác lẫn tư tưởng. Điều mình làm là ngồi xuống, thả lỏng và nghỉ ngơi. Như trạng thái thư giãn, được tắm trong một hồ nước mát sau những ngày rực lửa. 

Thiền và đời, thân và tâm chuyển hóa uyển chuyển, hỗ trợ song hành cùng nhau. Hai thứ tưởng khác biệt nhau nhưng lại gắn với nhau, đưa ta về trạng thái cân bằng hơn.

Như Gan và Lá Lách, hai thứ tưởng khác biệt nhau mà lại liên quan tới nhau. Lá lách thể hiện về giá trị cá nhân, về cảm hứng sống của mỗi người, điều mình thích, muốn làm. Gan lại khác, nó thể hiện những việc cần phải làm. Hai cái tưởng khác nhau, mà lại hỗ trợ cho nhau. Một người làm chủ được hành động của mình là người có vùng này rất sáng, bao gồm cả dạ dày, khả năng chấp nhận, khả năng bao dung.

Phần lớn chúng ta, những con người hiện tại đều có vấn đề về vùng gan, dạ dày và lá lách. Chúng ta thích làm những điều mình muốn, nhưng chúng ta lại không biết phải làm gì, bởi chúng ta không chấp nhận hiện thực ở quanh mình, ta không chấp nhận đương đầu với thử thách, khó khăn hay sự thay đổi. Phần lớn mình gặp những người như vậy, đều là những người có tổn thương về gan, lá lách và dạ dày.

Bản thân mình cũng đã từng như vậy, muốn làm những điều mình thích, nhưng lại luôn phải làm những điều mình không muốn. Khi đó, dạ dày mình chưa đủ bao dung để đón nhận công việc đó, làm trong sự miễn cưỡng, khó chịu. Mình lấy lý do này lý do kia, mình ngại đương đầu với thử thách, mình không tin vào bản thân rằng mình sẽ bứt phá được. Đơn giản mà cũng chẳng hề giản đơn. Và đó là quãng thời gian tuổi trẻ của mình. Đến với thiền, mình đã chữa lành và dần trưởng thành hơn, đủ lực mình sẽ vượt qua. 

Mình đã gặp rất nhiều bạn trẻ, những người rất mới sau khi bước chân khỏi trường đại học và bắt đầu công việc. Sự bỡ ngỡ, sai lầm, rụt rè, tự ti. Có những bạn thất bại, bỏ cuộc, có số khác thì lại tự tin thái quá, và rồi để bị mắng té tát hoặc bị đưa đến thử thách để học về tính khiêm nhường. Có người qua được bài học, có người không. Mình đã rất ấn tượng một bạn trẻ, khi làm cùng bạn. Bạn khá vất vả trong những giai đoạn đầu của công việc, cũng giống như mình lúc đó. Để thích nghi với môi trường mới, công việc áp lực, bạn mắc lỗi, hết lần này tới lần khác. Nhưng bạn không nản lòng, dù bị mắng, bị nói bạn vẫn chăm chỉ, lắng nghe và rút kinh nghiệm. Và kết quả sau đó bạn đạt được, có thể không ai nhìn thấy, nhưng với góc nhìn của người hướng dẫn và quản lý bạn, và người làm cùng là mình, bạn đã thay đổi rõ rệt. Hai người ở một nơi đào tạo, cùng tới một công ty nhưng qua thử thách lại cho ra 2 con người khác nhau. Và sau đó, tương lai của bạn đã rộng mở rất nhiều. 

Bên cạnh đó, mình cũng gặp rất nhiều bạn trẻ khác, khi các bạn gặp khó khăn thì lại luôn nghĩ ra lý do để biện hộ cho bản thân. Thay vì cần hiểu về thực tế, về khả năng của bản thân, về những thứ cần phát triển, thì bạn lại đi thụt lùi lại. Đó thật sự là một thứ rào cản bạn chưa vượt qua ‘cái tôi’ của chính mình, cản trở cho sự phát triển của chính các bạn.  Bạn nói điều các bạn cần, là một người bảo vệ được bạn, che chở cho bạn, bạn được ở trong một điểm an toàn. Nhưng sẽ bảo vệ như nào, nếu chính bạn không có gắng và cho người khác thấy, bạn không thể hiện được ý chí tự thân của chính bạn. Ta chỉ trưởng thành khi có thử thách, nỗ lực và ta vượt qua nó. Bao dung và chấp nhận những khó khăn để hiểu và dần hoàn thiện bản thân.

Tất cả những hình ảnh này, mình đã từng đi qua, như các bạn đã và đang trải qua. Mình hiểu, các bạn rồi cũng phải hoàn thành bài học để phát triển thôi. Những tư tưởng, cảm xúc của tuổi trẻ, tự ti và tự tin thái quá, cho mình rất nhiều bài học ê chề, nhưng đó không phải là thứ mình nên gặm nhấm. Đó là những bải học để mình học về sự bao dung, hiểu mình, hiểu người, những điều cần phải làm.

Thiền cũng vậy, không đơn giản như bạn nghĩ. Khi chạm vào cái tôi, tâm phán xét, tâm so sánh, bạn thấy chán nản, bạn buộc tội, bạn nêu ra các lý do, bạn nghĩ quá nhiều… Bạn bay theo những cảm xúc đó, thay vì hiểu thì bạn cuốn theo ‘cái tôi’ của bản thân. Và mình gặp không ít những khó khăn trong những buổi hỗ trợ thiền của các bạn học sinh như vậy. Khi chúng ta chấp nhận được bản thân, chấp nhận được những trải nghiệm của mình, chấp nhận được hiện thực, là chúng ta thực sự chạm đến nó. Và để làm điều đó không phải dễ, không phải cứ nói buông là buông được, chấp nhận là chấp nhận được… nhưng điều bạn có thể làm ngay lúc này là quan sát bản thân, tâm thiền của chính mình, để hiểu về bạn thân. Khi bạn hiểu, với sự bao dung bạn sẽ chấp nhận được mọi thứ. Và quá trình này cũng thật gian nan, chúng ta sẽ vật vã trong những khó khăn của cuộc đời, của nội tâm…có khi nó lên đỉnh điểm để rồi cho mình nhận ra. Giống như chính bản thân mình, cứ phải đi đến cùng cực thì mới hiểu và chữa lành dần dần và từ từ.

Mình đã từng đặt tay cho 2 người. Cả hai người sau khi đặt tay đều cho mình cảm giác như bị hành hạ đến bầm dập cơ thể. Nhưng lạ là cả 2 đều không cảm nhận gì trong mỗi buổi học, hoặc sau buổi học, có chút thì cũng là rất ít. Nhưng thái độ của cả 2 lại hoàn toàn khác nhau. Khi mình nói về những tổn thương vật lý, hay tư tưởng, cảm xúc, học sinh 1 không chấp nhận nó, họ không chấp nhận về bản thân có những tổn thương nặng như thế. Và điều đặc biệt là trong cả khóa học, người đó không thể chạm đến được trái tim của mình, và ngay cả nhịp đập của trái tim cũng không cảm nhận được. Mình biết, cái tôi của họ còn quá lớn, và may thay khi tới những buổi cuối cùng, họ đã bắt đầu cảm nhận đau trên thân, nhưng buồn thay, sau đó thì họ lại dừng lại. Họ ngại ngùng đối mặt với cái tôi của mình, cái tôi của họ đang bị lộ ra. Thay vì tiếp tục để chạm và hiểu, họ đã bỏ lỡ cơ hội để hiểu sâu về chữa lành, cũng là chưã lành cho chính họ. Cái họ cần không phải là vậy, họ cần là sự nhìn được nhiều thứ. Đôi khi kỳ vọng và thực tại lại cho ta những cái hoàn toàn khác nhau.

Học sinh thứ 2 của mình tương tự, trong những buổi học  đầu tiên sau khi mình thấy đau nhức rã rời, thì bạn vẫn thấy bình thường. Nhưng như để dành về nhà cho đau một thể, bạn nói ‘sau buổi học mà em thấy như đi cày, tay em đau như tập gym’. Buổi sau nữa thì bảo ‘sao người em chỗ nào cũng khô hạn, em không nghĩ mình lại yếu thế’. Và bạn vẫn chưa chạm được vào tim, cảm nhận được nhịp đập của trái tim mình. Nhưng bạn đã biết chấp nhận bản thân hơn, nhất là sau buổi học về dạ dày, khi chạm vào được vùng này, xả cảm xúc ra, bạn đã chạm tới tim. Bạn thấy tim đè nặng như sờ vào 1 viên đá, nó khiến bạn ngột thở, đau nhức, bạn thấy uất hận. Như đã chạm vào được một phần nào đó của thân thể, và mọi thứ bắt đầu tỏa ra. Và bạn nhận ra, mọi thứ không như bạn đã nghĩ. Những ký ức dội về…Bạn hiểu ra rất nhiều vấn đề của bạn thân, và không ngại ngần chia sẻ những điểm chưa hoàn thiện của bạn. Và mình biết, khi bạn chấp nhận cảm xúc của mình, chấp nhận những tắc nghẽn của mình là bạn đang chạm tới chữa lành. Và Thiền là thứ đó rất cởi mở và trải lòng…Chúng ta hãy đón nhận mọi thứ như nó vốn có.